Tình trạng xảy ra mâu thuẫu, xung đột hay bất đồng quan điểm giữa các cá nhân với nhau là chuyện tất nhiên, nhưng nếu có xảy ra thì phải giải quyết như thế nào để có thể cứu chữa được tình hình và không để mâu thuẫn đó trở nên tồi tệ hơn ?
Điều tồi tệ chỉ xuất hiện khi với tư cách là người lãnh đạo, quản lý, nếu Bạn không biết cách giải quyết khôn khéo và ổn thõa. Lưu ý đối với những xung đột mang tính riêng tư, Bạn không cần can thiệp sâu. Tuy nhiên, nếu xét thấy cuộc xung đột nào đó sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến công việc chung, thì Bạn nên can thiệp kịp thời, tránh để lại hậu quả.
Dưới đây là vài bước Bạn cần tiến hành trong việc hòa giải xung đột trong tập thể mình.
+ Đừng giải quyết ngay lúc đôi bên căng thẳng.
Khi đôi bên còn căng thẳng, Bạn không nên gặp họ để giải quyết, vì có thể họ sẽ không kiềm chế được cảm xúc mình mà làm cho mọi việc trở nên tệ hơn.
Hãy chờ một thời gian để đôi bên dịu lại, rồi mới bắt đầu hòa giải. Cần lưu ý là khi mời họ lên, Bạn phải mời với thái độ trân trọng, vì sẽ có trường hợp Bạn cảm thấy bực bội về cuộc xung đột đó và dễ có thái độ kêu họ lên như thầy kêu tớ.
+ Hãy để cho mỗi bên nói lên suy nghĩ của họ
Bạn hãy đề nghị từng người hoặc đại diện từng phía “trút” hết nỗi lòng của mình ra. Cứ để họ thẳng thắn và thoải mái nói hết mọi điều họ suy nghĩ hay cảm thấy.
Như thế, họ sẽ nhẹ lòng hơn. Và trong quá trình đó, hãy cố gắng điều khiển để cả 2 bên đều có thể nói, lắng nghe và đón nhận nhau. Phần Bạn, cứ chăm chú lắng nghe, dẫn dắt họ và ghi chép lại những gì cần.
+ Cần nêu ý kiến bảo vệ cả đôi bên.
Nếu cả 2 bên đều sai, thì Bạn cần nêu lên cái sai của mỗi bên. Bên cạnh đó, cũng nêu lên cái lý, cái đúng của mỗi bên. Trong trường hợp chỉ có một bên sai, một bên đúng, Bạn cũng không nên nói ủng hộ bên đúng và chỉ trích bên sai. Vì như thế, cuộc hòa giải sẽ chẳng đi đến đâu.
Hãy đứng ra hòa giải với tinh thần hòa giải cả hai bên. Hãy tôn trọng cả đôi bên và không được thiên vị bất kỳ bên nào. Cứ tỏ ra bình tĩnh và khách quan.
+ Chọn ra một giải pháp chung cả đôi bên đều đồng ý.
Nếu đôi bên xung đột thuần túy do cảm xúc – chẳng hạn theo kiểu “nhìn mặt không ưa” – thì Bạn nên nói lời khuyên nhủ đôi bên hãy biết kiềm chế vì ích lợi chung của tập thể.
Còn nếu xung đột nhau liên quan đến công việc, thì Bạn cần đưa ra một giải pháp mà đôi bên có thể đồng ý thực hiện. Giải pháp ấy có thể căn cứ vào sứ mạng hay giá trị cốt lõi của công ty.
Bên cạnh đó, nếu thấy cuộc xung đột ấy có thể kéo dài, theo kiểu bằng mặt mà không bằng lòng, thì Bạn nên dừng cuộc gặp gỡ cân nhắc chuyện có thể tìm dịp để mời cả đôi bên đi dùng bữa tối với mình chẳng hạn. Trong không khí thân tình, chuyện hòa giải sẽ dễ dàng hơn.
Việt Hà
Đăng Ký Nhận Tin
HỎI ĐÁP TRỰC TUYẾN